Chỉnh nha trong những trường hợp nào?
1) Răng chen chúc:
Nếu cách đây vài năm, thì những trường hợp răng chen chúc như thế này sẽ được bác sĩ chỉnh nha tư vấn nhổ răng “không thương tiếc”, vì nghĩ rằng không có chỗ để sắp xếp răng! Quan điểm ngày nay đã khác: với một khuôn mặt thiếu xương và mô mềm, thì bác sĩ chỉnh nha sẽ tạo ra xương và mô mềm, để cùng với răng tạo ra một nụ cười đẹp hơn! Những ca răng mọc chen chúc, răng mọc khểnh, răng mọc lệch, bác sĩ chỉnh nha sẽ ít nhổ răng hơn rất nhiều, và nụ cười của bạn cũng sẽ đẹp hơn!
Hình: Với kỹ thuật dùng lực nhẹ ngày nay, các trường hợp răng chen chúc ít khi chỉ định nhổ răng. Nhổ răng trong trường hợp này sẽ làm khuôn mặt không đẹp sau khi chỉnh nha.
2) Hô:
Thường gọi là sai khớp cắn hạng 2 theo Angle. Nguyên nhân có thể là do hàm trên đưa ra trước so với hàm dưới, hoặc là do hàm dưới phát triển chậm hơn so với hàm trên, hoặc kết hợp cả 2 yếu tố. Điều trị cho trường hợp này có thể phải kết hợp nhổ răng.
Hình: Một ca điều trị hô thành công ở độ tuổi thiếu niên. Bác sĩ chỉnh nha đã dựa vào sự phát triển của trẻ ở tuổi dậy thì để chỉnh nha và không phải nhổ răng trong trường hợp này. Sẽ là sai lầm và ảnh hưởng đến khuôn mặt của trẻ nếu nhổ răng quá sớm.
3) Móm:
Do hàm dưới phát triển quá mức, hoặc do hàm trên phát triển chậm hơn hàm dưới, hoặc kết hợp cả 2 yếu tố. Thông thường móm sẽ dẫn đến cắn ngược (răng cửa dưới phủ ngoài răng cửa trên như trong hình) hoặc cắn đối đầu (rìa cắn của răng cửa trên và dưới chạm nhau).
Hình: Móm thường gọi là sai khớp cắn hạng 3 theo Angle, hay gặp ở ngưởi châu Á hơn. Khi điều trị có thể sẽ cần phải kết hợp nhổ răng.
4) Lệch đường giữa:
Nếu tưởng tượng có một đường thẳng dọc chia đôi khuôn mặt của bạn thành trái và phải, thì đó gọi là đường giữa. Khi cười, hàm răng trên nên có một sự cân đối trái phải, nếu không thì sẽ là “lệch đường giữa”. Lệch đường giữa là nghiêm trọng khi người đối diện có thể phát hiện được.
Đối với hàm dưới, nếu bạn để ý, sẽ có tỉ lệ rất ít đường giữa hàm dưới trùng khớp với hàm trên, nhưng may mắn là đường giữa hàm dưới ít phân biệt được khi giao tiếp, và do vậy nó không quan trọng khi điều trị chỉnh nha.
Hình: Tom Cruise cũng bị lệch đường giữa hàm trên, và đã điều trị chỉnh nha vào khoảng năm 2002.
5) Cắn sâu:
Khi răng cửa trên phủ răng cửa dưới quá mức, gọi là cắn sâu.
Hình: Cắn sâu gây ra nhiều hậu quả sau này: răng cửa dưới sẽ gây chấn thương mô mềm ở mặt trong răng cửa trên, lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến cả răng cửa trên và răng cửa dưới. Răng cửa ở tư thế này làm hạn chế chuyển động của hàm dưới, khó ăn nhai và dễ dẫn đến rối loại khớp thái dương hàm.
6) Cắn hở:
Khi các răng không chạm nhau khi cắn khớp ở vị trí trung tâm, gọi là cắn hở.
Hình: Cắn hở sẽ gây ra khó khăn khi ăn nhai, khó khăn khi phát âm và làm mòn những răng có chạm khớp vì những răng này phải chịu lực mạnh. Cắn hở có thể có nguyên nhân từ thói quen xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi.
7) Cắn chéo:
Là tình trạng răng dưới phủ ngoài răng trên, ngược với thông thường. Cắn chéo có thể trong tình trạng nhiều răng, hoặc chỉ răng trước, hoặc chỉ răng sau.
Hình: Cắn chéo răng cửa bên trái (hình trái), cắn chéo răng sau (hình phải), và cắn chéo toàn hàm (hình dưới), gây ra rất nhiều khó khăn khi ăn nhai, phát âm và làm ảnh hưởng nặng nề đến khớp thái dương hàm. Nụ cười với răng cửa bị lệch vào bên trong cũng được đánh giá là không thẩm mỹ và hấp dẫn.
8) Thiếu răng bẩm sinh hoặc mất răng:
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ chỉnh nha sẽ cân nhắc di chuyển răng để đóng lại khoảng trống đó, hoặc mở rộng khoảng trống đó ra để bác sĩ phục hình có thể ghép Implant hoặc làm cầu răng phục hồi răng bị mất.
Hình: thiếu răng cửa bên hàm trên và răng cối nhổ thứ 2 hàm dưới bẩm sinh là rất hay gặp. Răng nanh có thể bị di chuyển đến vị trí khoảng trống gây mất thẩm mỹ. Bác sĩ chỉnh nha sẽ đẩy răng nanh về lại vị trí cũ, để có đủ khoảng trống trồng lại răng bị thiếu bẩm sinh bằng Implant hay cầu răng. Đối với trẻ em 8-10 tuổi, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha sớm và chụp phim toàn cảnh để kiểm tra, phát hiện sớm thiếu răng bẩm sinh hay không và có kế hoạch điều trị kịp thời.
9) Răng ngầm:
Răng ngầm thường gặp là răng cửa, răng nanh. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bộc lộ để kéo đưa răng ra ngoài bằng chỉnh nha, hoặc chỉ định nhổ bỏ và tạo khoảng để trồng lại bằng Implant hay cầu răng.
Hình: Răng cửa giữa bị ngầm gây mất thẩm mỹ. Nguyên nhân thường gặp là do chấn thương khi còn răng sữa, làm răng vĩnh viễn bị kẹt không mọc được. Bác sĩ chỉnh nha sẽ phẫu thuật bộc lộ và kéo răng cửa giữa xuống vào đúng vị trí.
Hình: Răng nanh mọc ngầm sau khi đã được bác sĩ phẫu thuật bộc lộ. Bác sĩ chỉnh nha sẽ gắn mắc cài để kéo răng vào đúng vị trí. Chú ý răng sữa vẫn còn tồn tại trên cung hàm bên răng nanh bị ngầm. Nếu phụ huynh thấy răng nanh đối diện đã thay quá 6 tháng mà răng còn lại chưa mọc (răng sữa tồn tại quá lâu), nên đưa trẻ đến khám và chụp x-quang để phát hiện và có kế hoạch điều trị sớm.
10) Răng nghiêng do mất răng hoặc thiếu răng, cần chỉnh nha tạo khoảng trống để trồng răng giả:
Khi mất răng hoặc thiếu răng bẩm sinh, các răng bên cạnh sẽ có khuynh hướng nghiêng vào vị trí mất răng, làm cho răng bên trong bị nghiêng, còn răng phía trước thì bị thưa ra. Để phục hình lại răng bị mất một cách hoàn hảo trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tư vấn chỉnh nha để kéo các răng về đúng vị trí, sau đó sẽ trồng lại răng bị mất.
Hình: biểu hiện thường gặp khi mất răng và không phục hình răng sớm. Những răng bên cạnh và răng đối diện sẽ di chuyển vào khoảng mất răng, làm cho việc trồng lại răng bị mất khó khăn hơn rất nhiều. Bạn sẽ cần gặp bác sĩchỉnh nha để kéo lại các răng này về đúng vị trí (khoảng 4-6 tháng), hoặc chấp nhận “hi sinh” các răng bị nghiêng bằng cách làm mão và có thể phải lấy tủy răng.
Như vậy, với kỹ thuật ngày nay, chỉnh nha có thể làm được rất nhiều thứ, từ thẩm mỹ, chức năng, hỗ trợ phục hình, thay đổi khuôn mặt. Sử dụng lực nhẹ sẽ làm giảm đau và khó chịu cho bệnh nhân khi chỉnh nha. Nếu bạn muốn có một hàm răng đẹp đúng chuẩn, chỉ cần kiên nhẫn một chút, là bạn sẽ đạt được thôi.